Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến: Từ truy bắt Lê Văn Luyện cho đến vụ thảm sát Bình Phước

Chỉ chưa đầy 24 tiếng sau sự xuất hiện của ông tại hiện trường vụ thảm sát dã man 6 người tại Bình Phước, kẻ thủ ác đã phải lộ diện. Đó chính là Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội.

Trong quá trình điều tra phá án vụ thảm sát Bình Phước, hẵn nhiều người không thể nào quên được hình ảnh vị tướng “hình sự”, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến xuất hiện một cách giản dị tại hiện trường nhưng lại toát lên vẻ uy nghiêm, cái “ngầu” thật sự của một người lính hình sự.

Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến (Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự – người trực tiếp nói chuyện với nghi phạm Nguyễn Hải Dương)

Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến (Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự – người trực tiếp nói chuyện với nghi phạm Nguyễn Hải Dương)

Một vụ án chấn động người dân cả nước, với 6 người trong gia đình bị giết hại dã man, sự lạnh lùng của sát thủ, sự tận tụy của lực lượng cảnh sát điều tra hình sự, những người thi hành pháp luật một lần nữa lại chứng minh cho câu nói “lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó thoát” khi nhanh chóng phá được vụ án, thể hiện rõ sự nghiêm minh của luật pháp.

Vụ thảm sát dã man 6 người trong một gia đình tại Bình Phước đã được sáng tỏ với việc kẻ thủ ác đã phải phủ phục tra tay vào còng trước lực lượng điều tra dày dạn kinh nghiệm. Đây là vụ án dã man, gây chấn động dư luận bởi sự tàn ác của kẻ thủ ác nhưng bên cạnh đó người dân cũng đã được nhìn thấy sự tận tụy của các chiến sĩ cơ quan công an điều tra. Từ người lãnh đạo cao nhất của Bộ Công an đã gần như ngay lập tức có mặt tại hiện trường để chỉ đạo điều tra cũng như chia buồn cùng thân nhân gia đình bị hại. Cho đến những chiến sĩ cảnh sát điều tra tội phạm luôn tỉ mỉ lật tìm từng góc hiện trường, từng cọng cỏ, nhánh cây hòng sớm truy bắt được hung thủ.

Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến (phải), Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội đang tiến hành nghiên cứu hiện trường vụ thảm sát tại Bình Phước

Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội đang tiến hành nghiên cứu hiện trường vụ thảm sát tại Bình Phước

Thế nhưng có nhiều điều về Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, cơ quan đứng đầu cả nước về lực lượng Cảnh sát Hình sự “khét tiếng” mà nhiều người chỉ mới nghe danh chứ chưa biết rõ.

Các băng nhóm tội phạm có tổ chức như Năm Cam, Hà Lê, Phương “Ninh hột”, Tiếm – Kiệt… bị triệt phá, từng gây chấn động dư luận. Tất cả những trận đánh ấy đều mang dấu ấn của các trinh sát Cục C45. Các trinh sát kể lại rằng, để triệt phá các băng nhóm, đối tượng hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, các anh phải theo đuổi trong suốt nhiều năm và gặp không biết bao khó khăn, gian khổ.

Thiếu tuớng Hồ Sỹ Tiến, người đứng đầu lực lượng Cảnh sát hình sự hiện nay quê hương xứ Nghệ, trưởng thành từ người lính điều tra Công an Hà Nội, trải qua nhiều vị trí công tác từ cơ sở đến khi trở thành người chỉ huy lực lượng Cảnh sát hình sự. Ông coi đó là duyên nghiệp, khó khăn, gian khổ mới rèn luyện người lính trưởng thành. Một người đàn ông, theo nhận xét của mọi người, quá nhiều tố chất “hình sự”. Tôi nhớ nhất về Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến khi cùng các đơn vị của Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm tham gia điều tra chuyên án cướp tiệm vàng, giết người do tên Lê Văn Luyện gây ra.

Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến đã trực tiếp tham gia và chỉ đạo 66 chuyên án của Cục, trong đó có 30 chuyên án xác lập mới. Kết quả đấu tranh đã kết thúc 28 chuyên án, trong đó không ít vụ ông đã trực tiếp tham gia.

Trong vụ án Lê Văn Luyện gây ra vụ thảm sát tại tiệm vàng Ngọc Bích, phố Sàn (Lục Nam, Bắc Giang), Luyện đã bỏ trốn đến nhà cô ruột ở giáp biên giới Lạng Sơn, sau đó trốn sang Trung Quốc. “Tôi đã trực tiếp đi Lạng Sơn, thuyết phục được chú rể của Luyện là Lê Thành Nghị đưa Luyện trở về Việt Nam rồi phối hợp với Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn bắt giữ Luyện khi đang trên đường từ Trung Quốc về Việt Nam”, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến kể.

Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến có mặt để chỉ đạo việc dẫn giải và hỏi cung đối tượng Lê Văn Luyện ngay trong đêm đối tượng này bị bắt

Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến có mặt để chỉ đạo việc dẫn giải và hỏi cung đối tượng Lê Văn Luyện ngay trong đêm đối tượng này bị bắt

Từ Lục Nam (Bắc Giang), “thủ phủ” của Ban chỉ đạo chuyên án về Hà Nội chưa đầy trăm cây, nhưng có lúc 5 ngày, anh Tiến chưa về nhà, quần áo cũng không đủ thay. Khi phát hiện tên Luyện bỏ trốn lên Lạng Sơn, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến đã chỉ huy mũi đầu tiên có mặt ở nơi này để truy lùng đối tượng. Đêm 31, rạng ngày 1/9/2011, khi sát thủ Lê Văn Luyện bị bắt giữ, đưa về trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Giang, gần 4h sáng, nhiều người vẫn thấy giọng nói sang sảng của anh Tiến trong phòng hỏi cung đối tượng…

Vụ án nghiêm trọng gây xôn xao dư luận đã nhanh chóng được khám phá, Chủ tịch nước và Bộ trưởng Bộ Công an đã gửi thư khen ngợi, ghi nhận những chiến công của lực lượng tham gia phá án, trong đó có cán bộ, chiến sỹ Cục Cảnh sát hình sự.

Khi xảy ra vụ gài mìn vào xe máy, sát hại mẹ con chị Quỳnh ở Bắc Ninh, với bề dày kinh nghiệm trong điều tra hình sự, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến trực tiếp xuống hiện trường, từ đó chỉ đạo từng tổ công tác phối hợp điều tra. Có ai ngờ rằng kẻ gài mìn vào xe sát hại ba mẹ con chị là Nguyễn Đức Tiềm, người trong gia đình chị. Trước đó, vì ghen bóng ghen gió với vợ, hắn đã từng gài mìn gây nổ làm anh Lê Đức Trung ở Kinh Môn (Hải Dương) bị cụt chân…

Có người cho rằng, lính hình sự là nguyên tắc, thêm chút cứng nhắc. Theo sát các vụ án mà CBCS Cục C45 làm, chúng tôi mới thấy những điều chưa bao giờ được viết trong hồ sơ vụ án. Đó là những hành động, những việc làm mang tính nhân văn sâu sắc. Có những giai đoạn, các trinh sát của Phòng 6, đơn vị chuyên đấu tranh, phòng ngừa với tội phạm mua bán người, phải thức suốt đêm để chờ… một tin nhắn hoặc một cuộc điện thoại. Bởi đó là những thông tin của nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc, lợi dụng khi bán dâm cho khách lúc nửa đêm gọi về. Bởi các anh biết rằng, khi nhắn tin về và được các anh trả lời, hướng dẫn cách tự giải cứu mình, các em sẽ yên tâm và có thêm kiến thức để tự bảo vệ và giải cứu mình khỏi các động mại dâm ở nước ngoài. Hàng loạt các cô gái trẻ như nữ sinh Nguyễn Thị Hồng V., SN 1993, trú tại TP Hồ Chí Minh; nữ sinh Vũ Thị H., ở Bắc Giang; cháu Phan Thị V. ở Hải Dương… đã được các trinh sát hình sự giải cứu từ những tin nhắn, cuộc điện thoại trong đêm như thế.

Còn nhớ những ngày đầu tháng 3/2012, tại bản Lúng Xã, xã Lóng Luông (Mộc Châu, Sơn La) xảy ra một vụ bắt cóc trẻ em cực kỳ manh động. Nạn nhân bị bắt cóc là cháu Sồng Thị Giang, 6 tuổi, con của anh Sồng A Dế. Sau đó, các đối tượng bắt cóc đã liên lạc đòi tiền chuộc là 500 triệu đồng và 5 bánh hêrôin.

Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến vừa xuống sân bay sau chuyến công tác nước ngoài lập tức nhận được “lệnh” ngắn gọn của Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm: “Có việc của anh luôn đấy, tại Sơn La vừa xảy ra một vụ bắt cóc trẻ em, đòi tiền chuộc”.

Chỉ đủ một tiếng kịp về đến cơ quan để trao đổi với các cán bộ của Cục đảm nhận nhiệm vụ phối hợp thông tin với các địa phương, ký điện chỉ đạo lực lượng Cảnh sát hình sự cả nước thông báo sự việc và đề nghị phối hợp xác minh, truy bắt. Sau đó, nhận được tin về dấu vết nóng của các đối tượng, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến và các cán bộ Phòng 5, Công an tỉnh Sơn La lập tức lên đường, bí mật truy đuổi theo hướng chạy của các đối tượng và con tin suốt 2 ngày đêm.

Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng C45 trao trả cháu Lê Phúc Thọ bị bắt cóc về với gia đình.

Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng C45 trao trả cháu Lê Phúc Thọ bị bắt cóc về với gia đình.

Rạng sáng 6/3, khi biết cơ quan Công an đã giải cứu an toàn cho cháu bé và bắt giữ các đối tượng gây án, chúng tôi có mặt tại Hòa Bình, bắt gặp gương mặt hốc hác của các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy trận đánh, trong đó có Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến. Khi đó, những nụ cười sảng khoái như vẫn có mới trở về trên gương mặt của người chỉ huy lực lượng Cảnh sát hình sự…

Thêm một lần nữa, những chiến sỹ Công an cảm nhận được rằng, trong cuộc chiến chống lại cái ác, bảo vệ sự bình yên cho nhân dân, họ luôn có sự ủng hộ của người dân, sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng khác. Đó chính là động lực giúp lực lượng Công an hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.